phone

Tổng Đài 028 3726 0024 (Từ 8h30 - 17h30)

phone

Hotline : 0822 79 89 99

REVIEW DU LỊCH ĐẢO PHÚ QUÝ

13/03/2023 - 09:28

ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN CHO CHUỖI KỲ NGHỈ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG – 30/4 & 1/5

Một trong những địa điểm hấp dẫn cách TP.HCM không xa sẽ là lựa chọn hoàn hảo và thú vị cho du khách khi đến với Phú Quý.

Đảo “ Phú Quý” nghe thôi cũng làm lòng người vui vẻ bởi cái tên giàu sang, phú quý. Ngoài tên gọi này Phú Quý còn gọi là cù lao Thu, cù lao Khoai Xứ là một đảo nhỏ nằm cách Phan Thiết, Bình Thuận khoảng 120 km về phía đông nam. Ngoài đảo chính, quanh đảo Phú Quý còn Hòn Đá Cao, Hòn Đỏ, Hòn Tranh và Hòn Hải. Diện tích đảo Phú Quý chỉ hơn 18km2 nhưng có đủ cảnh đẹp, danh thắng, trải nghiệm... để du khách khám phá vài ngày. 

1. Thời điểm phù hợp để đi Phú Quý

Khí hậu trên đảo trong lành, mát mẻ quanh năm. Thời điểm thích hợp để khám phá đảo Phú Quý là từ khoảng tháng 12 đến tháng 6 năm sau, do mùa bão thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Mùa xuân hè biển êm, trong xanh, gió nhẹ, dễ dàng di chuyển ra các đảo nhỏ. Tuy nhiên thỉnh thoảng sẽ có biển động, bạn nên xem dự báo thời tiết trước.Là huyện đảo xa nhất của tỉnh Bình Thuận, đảo Phú Quý có khung cảnh hoang sơ, tuyệt đẹp nhưng du lịch chưa thực sự phát triển. Hiện phương tiện duy nhất để lên đảo là đi tàu biển từ thành phố Phan Thiết, khoảng cách hơn 110 km.

2. Cách di chuyển

  1. Lưu trú
  2. Tham quan
  3. Ăn uống

 

Những tàu đi Phú Quý là Superdong-PQI, Superdong-PQII, Phú Quý Express, Phú Quý Island... Thông thường tàu xuất bến Phan Thiết vào khoảng 6h30 đến 7h30, tùy ngày sẽ có chuyến sớm hơn vào 5h30 hoặc muộn nhất 15h.

Thời gian di chuyển 2,5 đến 3,5 tiếng tùy loại tàu, bao gồm giường nằm và ghế ngồi, phòng quạt và phòng máy lạnh. Tàu cao tốc đi 2,5 tiếng có giá vé 350.000 đồng một người.

Trên đảo chưa có xe taxi, bạn có thể thuê xe máy ngay tại khách sạn để di chuyển. Đường sá trên đảo khá khang trang, có một trục đường chính nên rất dễ đi. Bạn cũng có thể bắt chuyện với người địa phương để hỏi đường, nếu cảm thấy "bế tắc".

Thông thường để khám phá hết huyện đảo phải cần đến 4 - 5 ngày. Nếu không muốn đi tàu ra các đảo nhỏ xung quanh, bạn có thể chọn hành trình 3 ngày 2 đêm, bao gồm hai ngày di chuyển và một ngày vui chơi, khám phá hết đảo lớn.

Vịnh Triều Dương

Men theo con đường lớn quanh đảo, điểm đến đầu tiên là vịnh Triều Dương, một bãi tắm nhỏ nước xanh và lặng bên bãi cát mịn trải dài. Nơi đây buổi chiều có đông người địa phương tắm biển. Tiếp đó, cột cờ chủ quyền là nơi hầu như du khách nào đến đảo cũng check-in.

Bãi Nhỏ

Đây là bãi tắm hình bán nguyệt, ôm vào lòng núi với màu nước xanh tự nhiên. Du khách chỉ cần dựng xe máy trên đường, rồi đi bộ men theo lối mòn xuống triền núi để đến bãi biển. Một số bãi tắm hấp dẫn khác là bãi Doi Dừa ở Ngũ Phụng, bãi tắm Công viên Uỷ ban Huyện.

Gành Hang

Cách bãi Nhỏ khoảng 650m, Gành Hang là vách đá lớn dựng đứng sát biển, nước biển tràn vào tạo thành "Khe Sung Sướng" và "Hồ bơi vô cực" tự nhiên thu hút nhiều du khách bơi lội. Bạn nên đem theo giày leo núi chắc chắn để đảm bảo an toàn. Khi chụp ảnh, lưu ý không nên ra gần rìa "hồ bơi vô cực" để tránh bị sóng kéo ra ngoài biển và nên đi cùng người địa phương.

Đỉnh Cao Cát

Đỉnh Cao Cát nằm ở phía bắc đảo Phú Quý, là một trong những ngọn núi cao nhất trên đảo, cao 106 m so với mặt nước biển. Tại đây có những vách đá hình dạng đặc biệt, có rãnh ngang do phong hoá, được ví như đại vực Grand Canyon, Mỹ. Trên đường lên đỉnh Cao Cát bạn có thể ghé thăm chùa Linh Sơn.

Đền thờ cá Ông Vạn An Thạnh

Vào năm 1941, xác của một con cá voi trôi dạt vào đảo Phú Quý, người dân đã phát hiện và mai táng trọng thể. Khi còn sống, con cá voi này có thể dài trên 20 m và bạn có thể nhìn thấy bộ xương khi đến Vạn An Thạnh. Đến đây, bạn sẽ được nghe người dân kể về hiện tượng cá voi giúp đỡ tàu thuyền khi gặp giông bão ngoài khơi.

Hải đăng Phú Quý

Ngọn hải đăng nằm trên Núi Cấm cao hơn 100 m so với mực nước biển. Từ đây bạn có thể phóng tầm mắt ra xa để ngắm nhìn phong cảnh nên thơ.

Đường lên hải đăng nằm cuối đường lên chùa Linh Bửu. Bạn có thể chạy xe máy lên đến chân núi. Nơi này mở cửa miễn phí, du khách có thể gửi khoản tiền nhỏ để hỗ trợ công tác trông coi, vệ sinh.

Đền thờ Công Chúa Bàn Tranh

Đền thờ do người Chăm xây dựng từ cuối thế kỷ 15. Tương truyền, công chúa Chiêm Thành không chịu bị ép duyên nên nhà vua thả xuống thuyền đày biệt xứ. Thuyền trôi đến đảo, bà quyết định ở lại khai khẩn lập nghiệp, giúp dân đánh đuổi giặc ngoại xâm. Khi mất bà được lập miếu thờ và cúng giỗ hàng năm, tôn xưng là Bà Chúa Xứ hoặc Bà Chúa Đảo.

Dinh Thầy Nại

Dinh mộ thờ thầy thuốc người Hoa có công lớn cứu chữa người dân từ thuở đảo còn nguyên sơ. Ông được tôn thờ như vị thần bảo hộ hòn đảo. Theo truyền thuyết, thầy Sài Nại là một thương gia người Hoa và có hiểu biết về các loại thuốc để chữa bệnh. Trong một lần sang Việt Nam buôn bán, thuyền của ông bị bão đẩy lên đảo Phú Quý. Ông bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của đảo nên quyết định gắn bó suốt đời.

Sau khi mất, ông được nhân dân chôn cất và đắp nên khu dinh mộ vào năm 1665. Người dân đảo đều đến dinh cầu nguyện khi gặp khó khăn hay đi biển được mùa tôm cá. Hàng năm, Lễ cúng Thầy được tổ chức vào ngày 4/4 âm lịch với nhiều nghi thức truyền thống

Cánh đồng điện gió Phú Quý

Nơi đây chỉ có vài cột quạt gió, bạn nên chịu khó tìm các góc khác nhau để chụp hình đẹp hơn.

Chợ cá Long Hải

Buổi sáng, không khí ở chợ cá Long Hải tấp nập, những đoàn thuyền đánh cá liên tục cập bến. Bạn sẽ được thấy vô số hải sản quý hiếm, có những con ốc còn to hơn bàn tay và nặng trĩu. Giá hải sản ở chợ cá Long Hải khá rẻ và chất lượng không thể chê được.

Hồ cá Làng Dương

Người dân ghép đá xây bờ tường cao khoanh thành một hồ nuôi hải sản tự nhiên. Điểm đặc biệt là các khe lỗ tròn xếp đều nhau để nước biển tràn vào, nhưng cá tôm không thể thoát ra.

 

Cảm ơn bạn đã đánh giá
0 Sao 0 Đánh giá